Nhập tối đa 30 mã vận đơn, mỗi mã cách nhau dấu phẩy.

E-logistics đường còn dài và khúc khuỷu

Tiếp vận thương mại điện tử, hay còn gọi là e-logistics, là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng có vẻ chỉ dành cho những người lắm tiền và chịu đầu tư dài lâu.

Trong đại dịch, việc mua sắm qua mạng đã trở thành xu thế. Theo thống kê, ngành thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng 20% giá trị thị trường. Một khi thương mại điện tử lớn mạnh, thì các dịch vụ kho vận, hậu cần lại càng có đà phát triển.

Tại Việt Nam hiện nay, cuộc đua e-logistics đang rất nóng với hàng loạt doanh nghiệp đã và đang thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư như Tiki Logistics hoặc Giao Hàng Nhanh. Theo các chuyên gia, để đánh giá việc đầu tư e-logistics cần tập trung vào 2 điểm. Thứ nhất là diện tích kho xử lý – chia chọn hàng hóa; thứ hai là mạng lưới bưu cục.

Chẳng hạn, chỉ trong hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp dẫn đầu ngành logistics đã sở hữu từ 80.000 – 300.000m2 kho bãi xử lý, con số tăng gấp 2 – 3 lần so với trước đó.

Mạng lưới bưu cục cũng được các đơn vị rốt ráo mở rộng. Chẳng hạn, công ty giao hàng BEST Inc. cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với 1.500 nhà đầu tư trong nước qua hình thức nhượng quyền bưu cục. Hoặc Viettel Post cho biết sau đợt dịch, họ sẽ tiếp tục nâng cấp mạng lưới bưu cục thêm lần nữa.

Không chỉ các doanh nghiệp vận chuyển, mà các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đang ráo riết đầu tư logistic cho riêng mình. Chẳng hạn Shopee có ShopeeExpress, hoặc Tiki có TikiNow Smart Logistics.

Trong đó Tiki thậm chí còn “chơi lớn” khi vào tháng 7 – mùa cao điểm đợt dịch lần 4 – đã chính thức đưa robot vào ứng dụng trong kho vận. Công nghệ cao này giúp Tiki tăng gấp đôi công suất so với quy trình thủ công trước đây.

Những cuộc đổ tiền này cho thấy sức hút cực lớn của e-logistics. Thế nhưng để hình dung chặng đường và tiềm năng của thị trường này, Amazon có lẽ là ví dụ kinh điển nhất.

Năm 2014, Amazon chỉ nắm giữ 0,2% thị trường vận chuyển Hoa Kỳ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, theo số liệu tháng 9/2021, Amazon đã chiếm đến 20% thị trường, vượt qua FedEx, ngấp nghé soán ngôi UPS và thậm chí cả US Postal Service (USPS).

Trước năm 2014, Amazon từng phụ thuộc rất nhiều vào FedEx và UPS để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên vì những sự cố giao hàng chậm hàng loạt ở mùa lễ hội 2013, Amazon đã thay đổi chiến lược, tự thân vận động, tiến hành quá trình tự vận chuyển. Họ đã mua sắm rất nhiều xe bán tải, máy bay chở hàng và các xe tải vận chuyển. Từ đó đẩy mạnh dịch vụ logistics phục vụ cho khách hàng của riêng mình.

Cho đến hiện tại, Amazon Logistics, bộ phận vận chuyển “cây nhà lá vườn” của Amazon, đã đủ lớn mạnh để phục vụ khối lượng hàng hóa nội bộ. Tuy nhiên Amazon vẫn tiếp tục đổ tiền vào cơ sở vật chất logistics. Bằng chứng là họ đã mua thêm rất nhiều máy bay chở hàng, mở các kho bãi xử lý hàng hóa trị giá hàng tỷ USD, tuyển thêm 125.000 nhân viên giao hàng và kho bãi tại Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Amazon sẽ biến đơn vị vận chuyển của mình thành một mảng kinh doanh chính thức trong vòng 18 tháng tới. Tức là Amazon sẽ phục vụ thêm cả những khách hàng ngoài, chứ không chỉ để vận chuyển các đơn đặt hàng trên Amazon.

Mặc dù thành công rất huy hoàng, thế nhưng con đường của Amazon Logistics không hề đơn giản.

Cho đến hiện tại, doanh thu của Amazon Logistics vẫn chưa thể sánh bằng các đơn vị khác. Phần lớn là vì họ chấp nhận phá giá thị trường để hỗ trợ khách hàng của Amazon. Theo đó, mỗi đơn hàng Amazon Logistics sẽ thu về 4,28 USD. Đây là con số rất thấp so với 12,19 USD của UPS hay 17,95 USD của FedEx.

Ngoài ra, Amazon Logistics lớn mạnh đến ngày nay phần lớn cũng nhờ sự “đỡ đầu” của công ty mẹ Amazon. Amazon đã đầu tư từ 7 năm trước, đổ rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất, chấp nhận doanh thu ít để chuẩn bị cho tương lai dài.

Đổi lại tương lai của Amazon Logistics sẽ rất triển vọng. Nếu có thể chính thức triển khai, thì Amazon có thể tận dụng hàng tỷ USD đầu tư của mình từ trước đến nay. Chưa kể nếu họ áp dụng mức giá cước cao hơn cho khách hàng ngoài, thì doanh thu của Amazon Logistics chắc chắn sẽ cao hơn.

Tuy nhiên không phải ai cũng chấp nhận đốt tiền mà không đem về lợi nhuận lớn trong thời gian đầu như Amazon. Đó chính là khó khăn lớn nhất của e-logistics Việt Nam, cũng là lý do mà ông lớn DHL đã rời bỏ thị trường e-logistics ở Việt Nam sau 4 năm.

Theo nhiều người, không phải thị trường này không có cơ hội, mà là thời gian sinh lời đã lâu hơn dự tính của DHL. Hay như một nhân sự cấp cao của DHL nói rằng một doanh nghiệp chú trọng nhiều về lợi nhuận như DHL sẽ không phù hợp chinh chiến ở mặt trận này.

Tại Việt Nam, mảng tiếp vận TMĐT rất tiềm năng và có nhiều không gian khai phá vì chỉ mới ở những bước đầu tiên. Một cái tên ra đi nhưng vẫn có rất nhiều bên chịu đổ tiền đầu tư ban đầu để nếm trái ngọt về sau. Dự báo trong những năm tới, tiếp vận TMĐT sẽ nóng và khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tra cứu vận đơn
icon-fab-search-bill
Tạo vận đơn
icon-fab-create-bill
Tra cứu giá
icon-fab-search-price
Bảng giá
icon-fab-price-list
Tải App NTX
icon-fab-get-app
Chat với Nhất Tín
icon-fab-chat
Liên hệ: *1919
icon-fab-phone
icon-fab