Logistics xoay xở trong Chỉ thị 16
Quy định giãn cách đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics.
Theo Chỉ thị 16, tài xế muốn đi lại giữa các tỉnh phải có “giấy thông hành” là xét nghiệm âm tính. Dù vậy, trước diễn biến thực tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã thống nhất quy định, lái xe trong nội bộ 19 tỉnh, thành phía Nam áp Chỉ thị 16 sẽ không cần kiểm tra giấy xét nghiệm này.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tổ chức “luồng xanh” liên tỉnh, liên vùng nhằm tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia… đi qua khu vực phong tỏa, giãn cách, ổ dịch.
Tuy nhiên, nếu tài xế đi ngang các tỉnh thành chưa áp dụng Chỉ thị 16 và dù trong diện “luồng xanh”, tài xế vẫn cần xét nghiệm âm tính. Điều bất tiện nhất là số nơi xét nghiệm thì ít mà người muốn test thì nhiều nên phải mất thời gian xếp hàng và tập trung đông, gây khó khăn, rủi ro cho tài xế.
Cái khó khác, theo đại diện AhaMove, là do dịch bệnh diễn biến quá nhanh và khó lường nên lệnh ban hành, áp dụng cũng khá đột ngột, chỉ trong vòng hơn 1 ngày, rất khó cho doanh nghiệp xoay xở. Thời gian chờ xét nghiệm thường lấy mất của tài xế hơn nửa ngày. Tài xế còn phải chờ lấy kết quả. Chưa kể, không phải tài xế nào cũng có thể sắp xếp thời gian để làm xét nghiệm ngay. Vì thế, không riêng AhaMove mà nhiều hãng sản xuất, logistics gặp trở ngại, ùn ứ các đơn hàng vận chuyển.
Một doanh nghiệp chia sẻ về sự bất nhất trong cấp giấy xét nghiệm âm tính khi mỗi nơi mỗi thời hạn và thủ tục khác nhau. Hiện tại, hiệu lực trung bình của giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày. Đây là một thời gian quá ngắn, đòi hỏi tài xế phải xét nghiệm liên tục. Với cách thức này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, không có thời gian để tài xế chở hàng. Nếu công ty nào xoay không kịp giấy, tài xế phải tạm nghỉ, hàng hóa phải tạm dừng.
Đó là chưa kể chi phí xét nghiệm cho tài xế, chi phí xăng xe, ăn uống gia tăng (do tài xế tốn thời gian di chuyển), tỉ lệ hư hao hàng hóa… tăng lên, đẩy cao tổng chi phí của doanh nghiệp, khiến không ít cơ sở quyết định dừng giao hàng đến các vùng dịch. Một số hãng lớn như Bách Hóa Xanh thì vẫn tiếp tục hoạt động nhưng chi phí bị đẩy vào giá thực phẩm và không thể giữ giá như cũ.
Để phòng chống dịch, các hãng logistics còn phải tuân thủ 5K. Nghĩa là những công ty logistics có nhà kho lớn như Nhất Tín Logistics, ABA Cooltrans.. phải nghĩ cách tổ chức kho hàng, đội xe, tài xế sao cho đảm bảo an toàn.
Ở Nhất Tín, hiện 100% quân số tại các kho Văn Giang, Sóng Thần, Kho 18A Cộng Hòa đã “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nghĩa là xe hàng từ các tỉnh đến kho phải dừng lại bên ngoài cổng và đổi tài xế trong kho ra lái vào, nhằm hạn chế tối đa việc mang mầm bệnh vào kho nếu có. Nhân viên ở các kho từ các tỉnh thành cũng được yêu cầu thuê phòng trọ, nhà khách gần kho công ty, tạm xa gia đình để phục vụ công việc, hạn chế tối đa tiếp xúc để tránh lây nhiễm.
Đối với ABA Cooltrans, CEO Lương Quang Thi cho biết, Công ty đã lập đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các tình huống gấp, liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ các công văn, chỉ dẫn. Từ tháng 6, ABA cũng chủ động tiêm vaccine cho người lao động và thường xuyên triển khai test âm tính cho nhân viên giao nhận xe máy, xe tải. Đặc biệt, khối sản xuất của ABA đã thực hiện “3 tại chỗ” (làm – ăn – nghỉ tại chỗ) và chế độ “làm việc tại nhà” cho khối văn phòng. Công ty cũng lập Kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) nội bộ để có những điều chỉnh kịp thời.
Với những giải pháp này, chi phí hoạt động của ABA đã có những phát sinh như chi phí xét nghiệm thường xuyên, chi phí thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí chuẩn bị nhân lực gấp khi sản lượng tăng đột biến hoặc nhân viên bị cách ly trong các khu phong tỏa.
Đây là những điều không lường được hết. Dù vậy, ông Lương Quang Thi cho rằng, trong nguy có cơ. Nhiều khách hàng lớn và mới đã tìm đến ABA để tìm giải pháp trọn gói/tích hợp “lưu kho – chia chọn – giao hàng” đến tận điểm bán trên toàn quốc vì ABA có hệ thống kho 40.000 pallet và đội xe trên cả nước. Còn nhóm khách hàng bán lẻ, sản xuất thực phẩm cũng đã tăng sản lượng lớn nên gia tăng đơn hàng với ABA.
Từ trong dịch bệnh, ông Thi cũng nhận thấy, các doanh nghiệp có cơ hội đồng hành cùng cơ quan chức năng phục vụ cộng đồng. Ví dụ, ABA, Nhất Tín, Con Cưng… đã tham gia với Sở Công Thương TP.HCM trong chiến dịch mở các điểm bán “thực phẩm lưu động bình ổn giá”. Riêng Nhất Tín cũng đã kết hợp với các doanh nghiệp khác thực hiện nhiều chuyến xe vận chuyển hàng hóa miễn phí như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ… đến lực lượng chống dịch tuyến đầu.
Dù vậy, trước những khó khăn do dịch, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương TP.HCM không xét nghiệm PCR với tài xế ra vào vùng dịch để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Theo VLA, khi ra vào vùng dịch, tài xế đã được trang bị bảo hộ và chỉ ngồi trên cabin.. thì khó lây nhiễm cộng đồng. Các tỉnh cũng cần thống nhất thời hạn hiệu lực, quy trình thủ tục trong cấp giấy thông hành và mở rộng các điểm xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho tài xế.
Giải pháp căn cơ hơn là doanh nghiệp giao nhận nên được tiêm vaccine trước. Có như vậy, những tắc nghẽn trong giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành có dịch sẽ ít nhiều được tháo gỡ.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư.